Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

Nhận biết mộ kết, mộ “trùng” tốt hay xấu để chọn thời gian cải táng giúp tăng phúc phận, tránh tai ương ập đến

Những hiện tượng, chuyển biến của mộ luôn được mọi người quan tâm, bởi đây không chỉ là nơi yên nghỉ của những người thân yêu trong gia đình mà còn là yếu tố tâm linh, ảnh hưởng đến phong thủy của những người ở lại. Một dạng mộ luôn được mọi người quan tâm, lo lắng mỗi khi nhắc đến đó là hiện tượng mộ kết. Vậy mộ kết là gì? Mộ kết tốt hay xấu, làm gì khi gặp mộ kết?

1. Mộ kết là gì?

Mộ kết là mộ khi đặt vào vùng có trường khí tốt, đã quán Khí (tức là thu nhận được năng lượng của Địa Huyệt). Gia đình có mộ kết thường được phù hộ độ trì, làm ăn phát đạt, con cháu học hành, công tác đều tốt.



2. Đặc điểm của ngôi mộ kết

Một ngôi mộ kết thường có 3 đặc điểm sau:

+ Theo quan điểm phong thủy: mộ được đặt trong vùng đất là nơi thụ khí trời, linh khí của long mạch hội tụ trong mộ.

+ Khu đất nghĩa trang chôn cất nằm trong vùng đất ẩm, có chứa nhiều hơi nước.

+ Người trong mộ là người có năng lượng tâm linh cao, khi sống là người có đạo đức tốt, được mọi người quý trọng, yêu mến, hoặc có thể là bậc thánh nhân, làm nhiều điều thiện.

3. Cách nhận biết mộ kết?

+ Do xác chết nằm sâu dưới lòng đất nên để nhận biết chính xác đó có phải là mộ kết hay không là một việc làm khá khó. Tuy nhiên, trước khi gia đình có ý định “bốc mộ”, xây dựng lại mộ cho người mất thường đi xem thầy, nhờ các nhà ngoại cảm tìm hiểu theo con đường tâm linh giúp, một số người lại có khả năng cảm nhận trường khí của ngôi mộ,…

+ Ngoài ra cũng có thể dự đoán qua quan sát bằng mắt thường. Mộ kết thường có lượng đất nở ra, ngôi mộ to dần chứ không bị giảm đất như mộ thường. Cây cối xung quanh mộ thường xanh tốt,… những đặc điểm này là biểu hiện của những khu đất giàu sinh khí, năng lượng.

+ Một số gia đình còn thử cắm những cành cây khô, thiếu sức sống vào vùng đất này, nếu vùng cành cây đó nảy mầm xanh thì rất có khả năng đó là mộ kết.

4. Mộ kết tốt hay xấu?

Như đã nói ở trên, theo quan điểm tâm linh thì những người trong mộ kết thường là người lúc sống được mọi người quý trọng, tích được nhiều công đức, chính vì thế mà mộ kết là những ngôi mộ có sẵn lượng sinh khí tốt. Nếu con cháu, người thân của những ngôi mộ kết này biết cách xử lý thì sẽ được người âm phù hộ, độ trì, những người còn sống sẽ được an vui, may mắn.

Những ngôi mộ kết thường sẽ không bốc mà giữ nguyên vậy chỉ xây dựng hoặc trang trí thêm lên trên bề mặt mộ mà thôi. Người nhà cần chủ động tìm hiểu tránh để khi bốc lên mới biết là mộ kết sẽ làm động khi xây mộ, ảnh hưởng xấu đến gia chủ.

Tuy nhiên, dù là mộ kết hay chỉ là một ngôi mộ bình thường thì những người còn sống đều phải trân trọng, chu đáo lo lắng cho trọn vẹn, tránh sự ham lợi, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của con người.

5. Mộ phạm “trùng”

Mộ phạm “trùng” thường hay bị người ta nhầm lẫn với mộ kết. Có nhiều loại trùng nhưng biểu hiện rõ nhất tại mộ là xác chôn qua nhiều năm không tan hoặc có những khu vực có hàng loạt mộ chôn tới hàng chục năm, xác cũng còn gần như nguyên vẹn.

Nguyên nhân có mộ phạm “trùng”

Có hiện tượng như vậy là do đặc điểm của khu vực đất bị bế khí, có thể do người mất bị ung thư hay bệnh khác mà đưa vào người quá nhiều thuốc kháng sinh hay chất phóng xạ, còn một lý do nữa thường là phụ nữ, khi liệm quần áo bằng ni lông gây ra không có không khí để vi sinh vật trao đổi chất. Khi gặp trường hợp này phải có phương pháp hóa giải theo chỉ dẫn của thầy phong thủy.

6. Chọn thời gian cải táng

Chọn lựa thời điểm để cải táng là một việc vô cùng quan trọng. Theo phong tục của người Việt Nam, người mất sau 3 năm thì sẽ phải cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải táng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng.

Tuy nhiên hiện nay, do thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hoá chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng sau 3 năm xác người chết chưa phân huỷ diễn ra khá phổ biến nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải táng lâu từ 4 đến 5 năm để tránh hiện tượng trên.

Theo sách xưa để lại, thời gian tốt nhất trong năm để thực hiện cải táng là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm, chứ không ai làm đầu năm cũng như sau Đông Chí. Việc chọn ngày bốc và di dời mộ cũng rất quan trọng.

Theo lịch Âm, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày, tuy lịch xếp là vậy nhưng trong việc chọn ngày không phải cứ giở lịch ra thấy ngày 29 hoặc 30 đã là hết tháng. Ta cần phải căn cứ vào 24 tiết khí hay chỗ nào hòa trực (tức là hai trực giống nhau nằm kề ngày nhau), lúc đó mới sang tháng khác; bởi vậy, nhiều khi đã sang tháng mới theo lịch 5 - 7 ngày mà vẫn phải tính theo tháng cũ. Nên để ý là đầu tiết bao giờ cũng đi liền 2 trực giống nhau, một trực là ngày cuối tháng, một trực là ngày đầu tháng. 12 trực là: Kiến - Trừ - Mãn - Bình - Định - Chấp - Phá - Nguy - Thành - Thâu - Khai - Bế, mỗi ngày là một trực. Các trực tốt nên sử dụng như sau: Trực Thành, Trực Mãn đa phú quý; Trực Khai, Trực Thâu họa không vong (họa không tới); Trực Bình, Trực Định hưng nhân khẩu.

Một lưu ý nữa là khi coi ngày là: Coi ngày giờ tẩm liệm, chôn cất, bốc mộ thì phải coi theo tuổi của người chết. Như vậy, năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của người đã mất, tránh những năm xung sát.

Ngoài ra, còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà vì trưởng nam là người phải gánh mọi sự may rủi. Tuổi và ngày nên chọn theo tam hợp, lục hợp, chi đức hợp, tứ kiểm hợp, tránh các ngày lục xung, lục hình, lục hại. Về ngũ hành, nên chọn ngày tương sinh hay tỷ hòa, tránh chọn ngày tương khắc. Tùy theo tháng mà khi bốc hay di dời mộ cần phải tránh thêm các ngày Trùng tang, Trùng phục, Tam tang, Thọ tử sát chủ, Nguyệt phá, Thiên tặc hà khôi, Thiên Cẩu hạ thực...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét