Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Ngày vía Thần Tài và những điều cần chú ý để tài lộc chảy ầm ầm vào đầy nhà

Theo tín ngưỡng dân gian, Thần Tài mang lại tiền bạc, của cải cho mỗi gia đình, nên mỗi gia đình, nhất là những gia đình mua bán hay kinh doanh đều có bàn thờ Thần Tài, đốt nhang nghi ngút để cầu xin Thần Tài cho mua may bán đắt, trúng mối lời nhiều, đem lại nhiều tiền bạc sung túc.

Người đời rất quý trọng tiền bạc nên rất quý trọng Thần Tài. Những nhà kinh doanh đều có lập bàn thờ Thần Tài rất long trọng, đặc biệt bàn thờ Thần Tài không nên đặt trên cao mà bao giờ cũng phải thấp hơn ban thờ Phật và ban thờ Gia tiên.



Nguồn gốc Thần Tài: có rất nhiều sự tích về Thần Tài nhưng dân gian thường nhắc hai sự tích sau đây:

1) Thần tài là một cô gái tên là: Như Nguyện (có nơi gọi là Như Ý)

Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà. Từ ngày có Như Nguyện trong nhà, sự buôn bán cũng càng ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà Âu Minh trở thành một nhà giàu có lớn. Một hôm, vào Tết Nguyên Đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm nó sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất.

Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp, trở nên nghèo khổ. Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần Tài. Lúc Âu Minh nuôi Như Nguyện trong nhà thì Thần Tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như Nguyện bị đánh rồi bỏ đi thì Thần Tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên làm ăn sa sút, thất bại.

Do sự tích này, người ta có tục lệ kiêng cữ quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần Tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo thất bại.

Cũng do sự tích này mà người ta lập bàn thờ Thần Tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên.

Nhưng trong thực tế, người ta thường gọi là Ông Thần Tài chớ không ai gọi là Bà Thần Tài, nên ngoài sự tích Thần Tài là cô gái Như Nguyện còn có thêm nhiều vị tài thần khác trong đó.

2) Thần tài là ông Triệu Công Minh:

Ông Triệu Công Minh ở đây không phải là Triệu Công Minh trong truyện Phong Thần hay trong truyện Bắc Du, mà là một người dân ở núi Võ Đang bên Trung Quốc.

Truyện dân gian Trung Quốc kể rằng: ở vùng núi Võ Đang có một ông già tên là Triệu Công Minh nhà rất nghèo. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm cặn canh thừa để ăn. Nghèo đến thế nhưng ông lão có nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng.

Ở gần đấy có một ông phú hộ, gọi là Tiền Viên Ngoại, tính tình rất xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Ông lão nghèo họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, hốt các canh thừa cơm cặn ấy về nuôi chó và vịt.

Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thỏi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho lão Triệu. Lão Triệu trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo vì tính xa xỉ.

Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên cảm thấy rất xấu hổ. Họ Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền kha khá đủ làm vốn liếng làm ăn, nhưng Lão Viên quen tánh tiêu xài xa xỉ nên dần dần hết vốn, trở nên nghèo khổ. Lão Viên lại sanh ác tâm, thấy họ Triệu giàu lớn như vậy bèn tính giết Triệu Công Minh để chiếm đoạt tài sản. Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu cháy ra tro, nhưng họ Triệu không chết, con vịt biến thành chim Phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành Thần Tài. Dân chúng lập miếu thờ Triệu Công Minh gọi là Thần Tài miếu.

Ở Việt Nam, Trung Quốc việc thờ Thần Tài trong mỗi gia đình người ta sát nhập Thần tài vào các Thần bản gia như: Thổ Địa, Ông Địa, Ông Táo.  Do đó, người ta làm ra một tấm bài vị gộp chung các danh hiệu của các vị Thần bản gia để thờ, mà người ta thường gọi là “bài vị Thần tài” và chúng ta thấy bài vị này được thờ ở hầu hết trong các tiệm quán, nhà buôn, ở các văn phòng công ty và xí nghiệp.

Bài vị Thần tài được vẽ trên một tấm kiếng, nền sơn đỏ, tất cả đều là chữ Hán màu nhũ vàng, vẽ một cái cổng mà hai trụ có rồng quấn, trên cổng có tấm bảng đề “Tụ Bảo Đường” nghĩa là ngôi nhà có tụ lại những thứ quý báu, phía dưới có vẽ một cái Tụ Bảo Bồn là cái chậu huyền diệu chứa của báu.

Sau đây là một kiểu bài vị Thần Tài và các Thần bản gia:
Chú thích: (chữ Hán trên bài vị đọc từ phải qua trái và từ trên xuống dưới)

聚 寶 堂: Tụ Bảo Đường:  nhà chứa của quý báu.

招 財: Chiêu tài: mời gọi tiền của.

進 寶: Tiến bảo: dâng hiến bảo vật.

金 枝 初 潑 腳: Kim chi sơ phát diệp: Cành vàng bắt đầu trổ lá.

銀樹正開花: Ngân thụ chánh khai hoa: Cây bạc chính thức nở hoa.

Hai câu trên là đôi liễn đặt hai bên bài vị, như để chúc tụng.

Trong một kiểu bài vị khác, đôi liễn trên được viết là:

Thổ năng sanh bạch ngọc    (Đất thường sinh ngọc trắng)

Địa khả xuất hoàng kim        (Đất khá xuất vàng ròng).

如 意 吉 祥: Như ý cát tường: tốt lành như ý muốn.

一 帆 風 順: Nhất phàm phong thuận: thuận buồm xuôi gió.

四 季 平 安: Tứ quý bình an: bốn mùa bình an.

Hai câu chữ lớn ở chính giữa là danh hiệu của các Thần bản gia để thờ phượng:

五 方 五 土 龍 神: Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần

前 後 地 主 財 神: Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần

■ Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần: năm vị Thần trấn năm hướng và năm vị Thần đất đai long mạch sắp đặt theo Ngũ Hành gồm: bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, và Trung ương.

● Năm vị Thần Ngũ phương là: Hoàng đế (Trung ương), Bạch đế (hướng Tây), Hắc đế (hướng Bắc), Thanh đế (hướng Đông), Xích đế (hướng Nam).

● Năm vị Ngũ Thổ Long Thần là năm vị Thần long mạch coi về đất đai, bảo hộ cư dân làm ăn sinh sống, gồm:

Thổ Công, làm chủ nền nhà.

Thổ Thần, làm chủ khu đất.

Thổ Địa, cũng gọi là môn khấu thổ địa tiếp dẫn Tài Thần: Thần Thổ Địa trực ở cổng để tiếp dẫn Thần Tài vào nhà.

Thổ Phủ, bảo hộ các kho hàng.

Thổ Kỳ, cai quản mặt đất nói chung.

■ Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần gồm hai vị: Tiền Địa Chủ Tài Thần và Hậu Địa Chủ Tài Thần.

● Tiền Địa Chủ Tài Thần là Thần Tài của chủ đất trước. Thờ vị Thần này là có ý báo bổn tư nguyên, tức là báo đáp cái gốc, nhớ đến cái nguồn.

● Hậu Địa Chủ Tài Thần là Thần Tài của chủ đất sau, tức là thờ vị Thần Tài của chủ đất hiện nay.

Những cơ sở kinh doanh các ngành nghề đều có thờ Thần Tài. Họ lập bàn thờ Thần tài lớn và trang nghiêm rực rỡ, trưng cúng bông và trái cây thường xuyên, cúng nước mỗi sáng mỗi chiều đều đốt nhang khấn vái để Thần Tài luôn luôn phù hộ cho họ làm ăn phát tài. Trên bàn thờ, ngoài bài vị Thần Tài còn có đặt phía ngoài hai tượng: tượng Ông Địa và tượng Ông Thần Tài.

Về ngũ hành thì bàn thờ thuộc hành Hỏa và Mộc là 2 hành hướng lên cao và cần sự chăm sóc mỗi ngày. Trừ bàn thờ Ông Địa Thần Tài là tín ngưỡng dân gian mọi nhà giống nhau, đặt gần cửa để nghênh tiếp tài lộc, còn lại bàn thờ Gia tiên và tôn giáo riêng của mỗi gia đình (thờ Phật, thờ Chúa…) nên mang tính hướng nội, không cần phải đặt ngay trong phòng khách.

Ở Nam bộ, ngoài bàn thờ gia tiên, người ta còn có trang thờ, bàn thờ ông Táo, thờ ông Địa, ông Thần Tài. Trang thờ được bố trí ở trên cao, nơi gian giữa; trên trang thờ có đôi chân đèn nhỏ, lư hương, bình bông, mâm dĩa trái cây, chung rượu, tách nước.

Bàn thờ ông Táo được đặt dưới thấp, không nên đặt ở trong bếp. Đây cũng chính là vị “nhất gia chi chủ”, có nhiệm vụ coi sóc việc gia cư, định họa phước, trừ ma diệt quỷ.

Riêng các vị Thần Tài, Ông Địa chỉ thờ dưới đất, trong góc hẹp, được lý giải bởi một truyền thuyết Như Nguyện đã nói trước. Cũng có quan niệm cho rằng Thần Tài là một phiên bản của Thần Đất (Thổ Địa) - vị thần hộ mệnh của xóm làng, cai quản vùng trời, đất đai, phù hộ con người và gia súc trong xóm làng, mùa màng bội thu và ý niệm trông mong vào các vị thần bắt giúp trấn an trên con đường mưu sinh.

Thần Đất cũng là một trong các vị Thần bản địa được mang vào để thờ phụng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Dần dà về sau, thương nghiệp phát triển, kinh tế hàng hóa phổ biến, nhu cầu mua bán, trao đổi phát triển, người ta cần vàng và tiền bạc hơn. Lúc đó, vàng, tiền bạc là thước đo của cuộc sống sung túc và nghèo hèn nên Thần Tài xuất hiện. Thần Tài là một dạng thức khác của Thần Đất. Nếu Thần Đất là vị thần bảo hộ cây trái, hoa màu, thể hiện tính lý nông nghiệp thì Thần Tài là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc.

Vào ngày tết, vai trò của Thần Tài càng được xem trọng hơn. Người ta lo trang hoàng nhà cửa, sửa soạn cho ông sạch sẽ, nếu vị thần này đã quá cũ hay bị hư thì sẽ bao sái ông Thần Tài cũ và thỉnh vị mới về. Họ tin rằng năm mới, mọi thứ đều ngăn nắp và Thần Tài có sạch sẽ thì làm ăn mới phát tài.

2. Sắp đặt bàn thờ Thần Tài - Ông Địa

Khi sắp xếp bàn thờ Thần Tài, ta thấy trong cùng bàn thờ, phía trên vách là một tấm Bài vị, phía bên trái của ban thờ là ông Thần Tài, bên phải là Ông Địa (tức khi nhìn từ ngoài vào ban thờ bên trái là Ông Địa và bên phải là Ông Tài). Ở giữa hai ông là Ông Phát mập mạp, phúc hậu nhất trong ba ông và luôn nở nụ cười. Ngoài ra trước ba ông là một hũ gạo, một hũ muối và một hũ nước đầy, ba hũ này chỉ đến cuối năm mới thay.

Giữa bàn thờ là một bát nhang, bát nhang này khi bốc phải theo một số thủ tục nhất định do gia chủ tự bốc. Theo nguyên lý “Đông Bình - Tây Quả”, các bạn đặt lọ hoa bên tay phải, đĩa trái cây bên tay trái (nhìn từ ngoài vào). Thường nên cắm hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền,... tránh sử dụng hoa giả, hoa dại, hoa giấy. Còn với trái cây nên sắp theo mâm ngũ quả (5 loại trái cây). Thường ở ngoài nơi bán đồ thờ cúng, khi mua chén nước người ta có một cái khay xếp 3 - 5 chén nước hình chữ Nhất và đặt ở phía trước của bát hương.

Ngoài ra, trên ban thờ còn có ông Cóc Thiềm Thừ ngậm đồng tiền Chiêu Tài Tiến Bảo để bên trái (từ ngoài nhìn vào), mặt luôn quay vào bát nhang để chiêu tài và cụ Long Quy đặt bên phải khi nhìn vào, mặt quay ra ngoài cửa để trấn sát. Ngoài cùng trên mặt đất, các bạn nên chọn một cái tô sứ thật đẹp, nông lòng, đổ đầy nước và ngắt những bông hoa trải trên mặt nước (đây còn gọi là Minh Đường Tụ Thủy - một cách giữ tiền bạc khỏi trôi đi.

Bên cạnh đó, để chiêu tài cùng trấn sát mạnh mẽ cho ban thần tài, nên sử dụng cặp Tỳ Hưu đặt ở hai bên. Khi sử dụng tỳ hưu đặt hai bên vị trí Thanh Long Bạch Hổ, tức là con đực (có đặc điểm giơ chân trái, đuôi vểnh lên, miệng mở to) đặt ở bên trái của ban thờ còn con cái (giơ chân phải, ngậm miệng, cụp đuổi xuống) sẽ đặt bên phải của ban thờ.

Chú ý: Khi đặt linh vật hoặc tượng nên đặt trên đôn sạch sẽ.

Trên ban thờ để chiêu tài nên treo hai xâu Ngũ Phúc Hoa Mai treo hai bên hoặc nếu treo một bên thì treo bên trái. Đặc biệt, pháp khí chiêu tài mạnh mẽ nhất là Hoa Mai Chiêu Tài Xoay xoay vần luân chuyển tài lộc, giúp tài lộc viên mãn, đủ đầy.

Trên nóc bàn thờ Thần Tài, người ta thường đặt tượng của Di Lặc Phật Vương hay các câu chú Phạn tự để tăng thêm phần bảo vệ cho gia chủ tránh khỏi tai ách.

Một số người trong miền Nam khi cúng Thần Tài - Ông Địa, thường cúng kèm theo một đĩa tỏi có 5 củ tươi nguyên đẹp đẽ hay nhiều khi là cả một bó tỏi. Họ cho rằng: ông Địa thích tỏi, là phương tiện để bài trừ “các đạo chích vong binh” ám muội, thực ra họ dùng bó tỏi đó để phòng chống các Tà sư làm ác, phá hoại bàn thờ nhà người ta bằng bùa, ngải. Vì những người luyện bùa, ngải thường kiêng ăn: hành, hẹ, tỏi, kiệu.

Nguyên tắc đặt bàn thờ Thần Tài là phải từ bàn thờ nhìn ra, Thần Tài phải quán được hết sự vào ra của khách hàng. Hoặc có thể dùng phương pháp Điểm Thần Sát để tính chọn lấy các cung thiên lộc, quý nhân để đặt vị trí bàn thờ.

3. Cách đặt ban thờ theo phương vị tốt, cung tốt của gia chủ

1/ Cung thiên lộc:

Lộc là phương Lâm quan của Tuế Can, tính theo Ngũ hành, Lâm quan tới cát. Lâm quan là thời đương thịnh, đang lên phơi phới, là đúng Đạo sinh thành, gần tới Vượng mà là Lộc, bởi đã Vượng thì Thái quá.

Lộc là cách có Lộc ra chính môn. Nhà có cách này là cát khánh, rất tốt. Lộc ra chính Môn sẽ đem lại nhiều may mắn về tiền bạc, gia sản thăng tiến, điền trang vượng, thường sinh người béo tốt, thông minh, tuấn tú lại khéo léo, tài năng kinh doanh giỏi, làm ăn tiến phát. Lộc cung là Cát cung, vì vậy ngoài cách đặt cửa chính ra, còn có thể đặt cửa phụ, nhà bếp, phòng khách, phòng làm việc, bàn thờ, giường ngủ, tất cả được Lộc đều tốt. Tuy nhiên, Lộc phải căn đúng cung tài, là Lộc cư Lộc, mới thật là đắc cách, mới thật sự tốt đẹp.

2/ Cung quý nhân:

Quý Nhân Thiên Ất là vị Thần đứng đầu cát Thần, hết sức tĩnh mà có thể chế ngự được mọi chỗ động, chí tôn mà có thể trấn được phi phù. Nhà có chính môn ra Quý là đại cát khánh, gia đạo bình an, hòa thuận, hỷ khí đầy nhà, luôn gặp may mắn.

Quý nhân là sao cứu trợ, là Thần giải tai ách, nên nhà ra quý nhân là gặp việc có người giúp đỡ, gặp ách có người giải cứu, gặp hung hóa cát, sự nghiệp hiển vinh, công danh thành đạt, dễ thăng quan, tiến chức, học hành thi cử nhất nhất đều tốt đẹp. Quý nhân gặp Sinh, Vượng, thường sinh người hiếu lễ, khôi nguyên, tướng mạo phi phàm, tính tình nhanh nhẹn, lý lẽ phân minh, không thích mẹo vặt, thẳng thắn mà ôn hòa, khôi ngô tuấn tú. Quý nhân là cát khí rất tôn quý, nên vào cung nào cũng rất tốt, ngoài cách đặt cửa chính ra còn có thể đặt cửa phụ, nhà bếp, phòng khách, phòng làm việc, bàn thờ, giường ngủ đều tốt. Đặc biệt, bàn thờ đặt trên cung có âm Quý nhân là đại cát khánh, như vậy sẽ được âm linh phù trợ. Không được để phòng tắm, nhà vệ sinh vào cung Quý nhân, vì như vậy sẽ bị họa hại liên miên, nữ nhân thiếu máu, động thai, sinh con dù có đẹp đẽ nhưng cũng dấn thân vào con đường ô nhục, cuối cùng phải tự vẫn, tài sản tiêu tan, yêu ma hoành hành, gia đình có người bị cướp bóc, chém giết máu me thảm khốc, bệnh tật đau khổ triền miên. Nếu để nhầm nhà vệ sinh vào cung âm Quý nhân thì tai họa khủng khiếp khó lường.

Nhưng muốn đặt như thế nào thì trước mặt bàn thờ phải quang đãng, sạch sẽ (tuyệt đối không được đặt bàn thờ vào gầm, vào chỗ tối tăm). Ông Địa và Thần Tài tuy thờ dưới đất nhưng tính rất thích thơm tho, sạch sẽ, vì vậy nên để sẵn một lọ nước hoa, lâu lâu lại xịt vào bàn thờ cho thơm, hoặc xông Bột trừ tà khai vận để tẩy uế, trừ tà sạch sẽ cho ban thờ.

4. Phương sinh tài vượng và việc đặt bàn thờ hoặc Tượng Thần Tài

Đây là vấn đề mà có lẽ từ nhà thường cho đến cơ sở kinh doanh mua bán đều quan tâm: Đó là phương sinh vượng và cách đặt Tài Thần.

Phương vị này còn được gọi là “tài vị”, nó khác với phương chính Thần trong Huyền Không học. Có 3 thuyết nói về phương vị này khác nhau:

+ Thuyết thứ nhất là theo trường phái Huyền Không, chọn phương chính thần làm phương của tài vị

+ Thuyết thứ hai là theo Phi Tinh của Huyền Không, cho rằng phương của Tam Bạch phi đến mới là phương của tài vị. Tam Bạch chính là: Nhất Bạch, Lục Bạch và Bát Bạch

+ Thuyết thứ ba là chọn phương chéo với cửa ra vào làm phương tài vị. Theo khoa phong thủy thì tại phương tài vị này, người ta thường đặt các cây xanh lá to hay các tượng Tài Thần. Phương tài vị này có một số điều nên và không nên như sau:

1/Các điều nên ở phương tài vị:

+ Nơi phương tài vị nên sáng sủa, quang đãng, không thể để tối ẩm, sáng là năng lượng Dương, thích hợp với Dương khí. Sinh khí không ưa nơi tối tăm, nên phương này tuyệt đối không nên để tối, nếu thiếu ánh sáng tự nhiên thì nên lắp thêm đèn.

+ Nơi phương tài vị nên có sinh cơ, tức là nơi đây nên thiết lập bày trí cây xanh là tốt, phải nhớ là trồng loại cây luôn luôn xanh tươi, nhất là các loại cây trồng trong đất bùn.

+ Nơi phương tài vị nên đặt vật hay biểu tượng cát lành, bởi phương này là nơi vượng khí ngưng tụ, nếu ta đặt thêm một biểu tượng cát lành thì tốt càng thêm tốt, như gấm thêu thêm hoa vậy.

2/ Các điều kỵ ở phương tài vị:

+ Nơi phương tài vị tối kỵ đặt các vật nặng như tủ sách, kệ sắt, máy móc nặng sẽ làm tổn hại đến tài vận của gia chủ.

+ Nơi phương tài vị phía sau nên có tường che chắn, không thể trổ cửa  đi hoặc cửa sổ, sẽ hợp cách cục “tàng phong tụ khí” trong phong thủy, tài vận mới tụ được.

+ Nơi phương tài vị tối kỵ bị các vật nhọn xung xạ đến như cạnh bàn, cạnh tủ…sẽ làm tổn hại tài khí nơi đó.

+ Nơi phương tài vị là nơi cát thần tọa vị nên đại kỵ ô uế, dơ bẩn, vì vậy không thể để vật ô uế, bụi bặm nơi đây.

+ Nơi phương tài vị không nên để tối tăm, vì u tối thì sinh khí không sinh sôi được, sẽ ảnh hưởng đến tài vận, sinh kế.

5. Cách cúng Thần Tài

Người xưa cúng Thần Tài quanh năm, không chỉ vào dịp giỗ, tết, sóc, vọng mà vào bất kỳ lúc nào thấy cần cầu xin, hoặc ngày thường, người ta cúng Thần Tài đơn giản, chỉ có trầu, nước, trái cây,…còn trong các dịp giỗ, tết, sóc vọng thì cúng thần tài bằng cỗ mặn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét