Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Không Cúng Ông Công Ông Táo có sao Không - Có bị mất hết Tài Lộc May Mắn trong Năm Mới Không?

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người người nhà nhà đều nô nức chuẩn bị cho lễ cúng Táo quân. Đây là tập tục tốt đẹp trong nền văn hóa tâm linh của người Việt, song nếu không cúng Ông Công Ông Táo thì có sao không?

Bắt nguồn từ quan niệm của Lão giáo Trung Quốc với truyền thuyết về ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ, Táo Quân trong văn hóa dân gian Việt Nam đã được Việt hóa thành tích “2 ông 1 bà” – gồm ba vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc; hay người dân quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo.

Theo truyền thuyết dân gian, trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các Táo sẽ về trời và bẩm báo lại với Ngọc Hoàng những chuyện đã xảy ra trong năm vừa rồi, thưa lại những chuyện tốt, xấu mà các thành viên trong gia đình đã làm. Người ta làm lễ cúng ông Công ông Táo với mong muốn tiễn thần đi hanh thông may mắn, tấu sự trôi chảy, bẩm tấu những điều tốt đẹp nhất với Ngọc Hoàng, từ đó xin cho gia đình mình một năm mới an khang thịnh vượng, xua tan những điều xui xẻo có thể xảy tới.

Tục thờ Táo quân đã lưu truyền từ cả ngàn năm nay, có nguồn gốc từ thuở xa xưa, khi mà người dân còn niềm tin rằng mỗi một lĩnh vực trong cuộc sống sẽ có một vị thần linh tương ứng cai quản, “đất có Thổ Công, sông có Hà bá”, nên coi trọng việc thờ phụng, cúng bái để được thần linh phù hộ. Đó là tín ngưỡng văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng kính trọng các vị Thần linh, sự yêu thương và đoàn kết của gia đình, coi trọng bếp lửa – Thần Lửa, đồng thời hy vọng những điều tốt đẹp nhất vào tương lai sắp tới. Cúng Táo quân – Mâm cao cỗ đầy không bằng T M THÀNH KÍNH.

Bạn chỉ nên làm lễ cúng ông Công ông Táo nếu tâm thành kính, nếu bạn tin rằng điều đó sẽ mang lại may mắn an lành cho bản thân và gia đình. Còn nếu chính bản thân bạn cũng nửa tin nửa ngờ, chỉ làm vì thói a dua theo đám đông chứ thực lòng không hề tin tưởng thì có lẽ bạn nên xem xét lại.

Thần linh, ông Trời đều có mắt, chẳng bao giờ phán xét sai. Thế nên, có lẽ sẽ chẳng có chuyện những vị Thần đức cao vọng trọng lại “chấp nhặt”, nếu con cháu cúng đúng thì phù hộ, còn cúng sai hay không cúng thì trừng phạt. Tin vào tín ngưỡng, song vẫn phải có lý trí, bỏ đi suy nghĩ “buôn thần bán thánh”, đừng để cúng sai cách, đừng bôi nhọ một phong tục đã có từ lâu đời của ông cha ta xưa.

5 sai lầm khi cúng Ông Công Ông Táo:

Đặt mâm lễ dưới bếp

Từ xưa đến này, có rất nhiều quan niệm rằng ông Công là Thần Thổ Công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, nên cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là Thần trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.

Theo quan niệm truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi để cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.

2. Khấn xin tài lộc, sung túc

Thực chất, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.

3. Chuẩn bị đồ cúng

Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn.

Tuy nhiên, thông thường, lễ vật cúng ngày 23 tháng Chạp cần chuẩn bị 3 bộ quần áo, mũ, giày cho 3 vị thần với một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ hoặc 3 con cá chép và tiền vàng. Những đồ vàng mã này sẽ được đốt đi để gửi cho các vị thần sử dụng khi về trời.

4. Cúng lễ sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp

Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.

Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.

5. Thả cá chép từ trên cao

Vào ngày 23 tháng Chạp, cá chép vàng được cúng cùng với lễ vật cúng Ông Công Ông Táo là quan niệm cá chép hóa rồng là vật cưỡi đưa Ông Công Ông Táo lên trời để báo cáo những việc đã qua. Như vậy, cá chép cũng là sự tượng trưng cho Thần linh, cần có sự tôn trọng. Sau khi cúng lễ, các gia đình không nên đứng từ trên cao thả cá, đứng ở bờ xa ném xuống sông, như vậy cá sẽ chết. Cũng như đặc biệt không nên ném cả cá lẫn túi ni lông xuống nước, cá sẽ chết gây ô nhiễm môi trường và gây ra tạo nghiệp, gián tiếp sát sinh khi để cá bị chết, mà phải chọn địa điểm ở mép sông, hồ, ao từ từ thả cá xuống với tấm lòng mong cầu thành tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét